Bánh cuốn Cao Bằng được chan nước canh nóng hổi, bánh cuốn Phủ Lý thơm phức chả nướng, riêng bánh cuốn Tuyên Quang lại có cái tên rất lạ: bánh cuốn bột lọc...
Từ cùng một nguyên liệu là bột gạo được tráng nóng, mỏng tang, nhưng đi qua mỗi vùng miền của Tổ quốc, món bánh cuốn lại ẩn chưa trong đó một hương vị rất riêng, thơm, ngon khó tả. Món bánh là đồ ăn sáng rất phổ biến, cũng có khi trở thành bữa chính hay làm ấm lòng những người con xa quê nhớ tới thao thức cái hương thơm của gạo, vị đậm đà dẻo thơm của miếng bánh.
Một điều rất thú vị, hầu như về vùng đất nào, muốn hỏi một món ăn sáng đặc trưng của vùng, người dân địa phương đều giới thiệu cho bạn món bánh cuốn. Mặc dù họ biết, khắp dải đất Việt Nam này, món bánh này đâu có hiếm. Vậy điều gì làm nên nét riêng biệt hấp dẫn khiến món bánh phổ biến này lại được địa phương hóa tạo sự khác biệt tới vậy? Mời bạn cùng khám phá:
Bánh cuốn nước hầm xương Cao Bằng
Ai từng một lần tới mảnh đất Cao Bằng, ắt hẳn không thể quên hương vị của món bánh cuốn nơi đây. Bánh cuốn nóng Cao Bằng có công thức chế biến bước đầu cũng không khác gì món này ở những nơi khác. Bột gạo loãng được tráng mỏng trên nồi hấp có nước đang sôi sùng sục ở bên trong. Chỉ sau ít phút, chiếc bánh trắng tinh, thơm mùi gạo đã chín. Người thích ăn cầu kỳ hơn có thể tráng chung trứng gà cùng với bột gạo để chiếc bánh thơm bùi hơn.
Điều khác biệt của bánh cuốn nóng Cao Bằng là chiếc bánh tráng xong, cuốn lại gọn và đẹp mắt, không phải ăn với nước mắm pha chua ngọt như ta thường thấy, mà sẽ được thả vào một bát nước hầm xương nóng sốt, ăn kèm với chả lụa, chả cây và một ít hành lá xắt nhuyễn, hành phi, tóp mỡ, tiêu bột rắc lên trên.
Để cho hương vị đậm đà và độc đáo hơn, bánh cuốn nóng Cao Bằng thường được ăn chung với quả mắc mật muối chua. Cắn một miếng bánh cuốn tráng trứng thơm lừng, thêm vào miệng một miếng chả lụa béo ngậy, húp thêm ngụm nước dùng nóng hổi, rồi nhấp nhẹ một quả mắt mật vàng um vị chua chua. Các hương vị ngọt, béo, thơm, cay, chua... hòa quyện với nhau, quả là một món ăn khó có thể quên.
Vào buổi sáng, trên bất cứ ngã đường nào ở Cao Bằng, người ta đều thấy những hàng bán Bánh cuốn nóng. Cứ cách vài ba nhà thì lại có một hàng bán món ăn này. Đặc biệt là vào mùa Đông, món này lại còn trở nên tuyệt hảo hơn.
Món mắc mật ăn kèm độc đáo
Các quán phần lớn đều bày biện đơn sơ, gồm một quầy tráng bánh, vài chiếc bàn con và ghế gỗ xung quanh… nhưng hàng nào cũng có người ghé ăn. Người dân địa phương thưởng thức món này vào mỗi buổi sáng như là một thói quen.
Bánh cuốn bột lọc Tuyên Quang
Chỉ cần nghe tên bánh cũng đủ gây tò mò và hấp dẫn với thực khách lần đầu tới với Tuyên Quang. Nhưng để ăn món bánh này, bạn phải dậy sớm, nhờ "ma xó" hoặc phải khéo mồm hỏi han các bác xe ôm vì quán bán bánh khá nhỏ, lại nằm ở góc khuất gần rạp chiếu phim tại trung tâm thành phố Tuyên Quang.
Ảnh: Hạnh Mai
Bánh cuốn bột lọc cũng được làm bột gạo tẻ thông thường, nhưng nhờ chất gạo ngon cùng với một "bí quyết" đặc biệt, bánh cuốn tráng xong mỏng tang, trong suốt nhưng lại giòn dai, bên trong bánh là lớp thịt nạc trộn mọc nhĩ thơm phưng phức. Điểm đặc biệt hơn nữa, bánh được chan kèm một thứ nước chấm màu nâu sậm là tổng hòa của nước mắm, nước xương lợn hầm cùng rau thơm. Thêm nữa, người Tuyên Quang thích ăn kèm bánh cuốn với giò heo thay vì chả như người miền xuôi...
Quán này chỉ bán vào buổi sáng, có một quán khác phong cách khá giống thì chỉ bán vào ban đêm. Vì vậy, để ăn được đúng món bánh cuốn bột lọc chính hiệu đất Tuyên Quang bạn hãy chịu khó mò mẫm, hỏi han nhé.
Bánh cuốn chả nướng Phủ Lý
Nằm cách "kinh đô bánh cuốn" Hà Nội không xa, món bánh cuốn chả Phủ Lý (Hà Nam) như một nét chấm phá mới lạ trong bản đồ bánh cuốn tại Việt Nam. Không mỏng tang, mịm mượt như bánh cuốn Thanh Trì mà từng lát bánh cuốn Phủ Lý trắng tráng hơi dày nhưng để nguội vẫn mềm, dai dai được trộn với hành phi thơm giòn.
Khi tới ăn, người làm mới lấy tay dỡ bánh, cuộn lại, rồi rắc hành phi thơm phức lên trên. Nước mắm khá đơn giản gồm tiêu giã nhỏ, tỏi băm, đường. Nếu chỉ có "ăn chay" như vậy, ắt hẳn món bánh cuốn nơi đây chẳng khiến thực khách đi qua phải dừng chân lại nhiều như thế. Sự thu hút của món bánh cuốn này chính là món chả nướng ăn kèm. Có lẽ người Phủ Lý quá thông minh khi kết hợp cái vị ngon của món chả thịt với sự mềm mại, dẻo thơm của món bánh cuốn.
Ảnh: Hồng Khanh
Nếu món bún chả của người Hà Nội hợp với bữa trưa, thì món bánh cuốn chả nướng lại rất hợp cho bữa ăn sáng. Bánh cuốn như gói được hết sự đậm đà và ngọt thơm của nước chấm cùng miếng chả băm thơm ngon. Hơn thế, những thứ rau ăn kèm như hoa chuối, mùi, kinh giới và trái sung muối chua khiến món ăn trở nên hấp dẫn lạ thường. Một lần ăn lại muốn quay lại...
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn
Tới thành phố Lạng Sơn, bánh cuốn lại biến tấu rất ngon thành món bánh cuốn trứng gà và thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ gói gọn bên trong. Giống như món bánh cuốn của Cao Bằng, nước chấm của món bánh cuốn trứng cũng là nước canh được ninh từ xương ống và cho thêm gia vị, hành, mùi, tiêu, ớt.
Nhiều cửa hàng tại Lạng Sơn còn dùng nước thịt kho cho vị đậm đà hơn. Trứng gà được hấp bên trong lá bánh, chín tái đủ để tạo một lớp màng mỏng quanh lòng đỏ, giúp trứng không bị vỡ. Ăn món bánh cuốn này không thể gắp và chấm mà phải chan nước canh lên mặt bánh. Khi thưởng thức, người dùng sẽ khéo léo đưa miếng bánh vào miệng làm sao để lòng đỏ trứng vỡ ra trong miệng.
Bánh cuốn tôm Thái Bình
Về thị trấn Diêm Điền (Thái Bình), nếu muốn chọn một món ăn nhớ lâu, người dân địa phương sẽ chỉ cho bạn món bánh cuốn nhân tôm cực kỳ đặc biệt của họ.
Bánh cuốn ở đây phải nói là chẳng giống với bất cứ nơi nào. Trong muôn vàn thứ tôm, người Diêm Điền chỉ chọn tôm vàng làm nhân bánh cuốn. Tôm vàng vỏ mỏng tanh như giấy bóng, thịt nhiều lại ngọt và thơm. Người ta đồ tôm tới chín, bóc vỏ bỏ đầu. Tiếp đó, băm kỹ tôm với hành củ, gấc và một ít thịt ba chỉ đã luộc chín. Pha thêm mộc nhĩ thái nhỏ rồi nêm nước mắm ngon. Khi xào tôm để nhỏ lửa, đảo đều tay. Cuối cùng rắc chút hạt tiêu để món ăn thêm hấp dẫn.
Tôm làm nhân bánh phải rời, thơm và đỏ lựng màu gấc là đạt yêu cầu. Màu đỏ nhân tôm nổi giữa chiếc bánh trắng tinh mịn màng. Nước chấm phải làm rất tỉ mỉ, phải tìm được nước mắm tôm nguyên chất chỉ ở vùng biển Diêm Điềm mới có. Sắc vàng quyến rũ như mật ong của nước mắm vô cùng hấp dẫn thực khách.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét