Hạ Long nghĩa là “rồng xuống”. Theo truyền thuyết xưa, tên gọi Hạ Long gắn liền với câu chuyện về đàn rồng xuống giúp dân đánh ngoại xâm. Chuyện kể: “Ngày xưa, khi người Việt mới dựng nước, nhân dân đang sống yên ổn thì bị giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi. Trước thế giặc mạnh, trời sai rồng mẹ mang theo đàn rồng con xuống giúp dân. Khi thuyền giặc từ biển ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng lập tức phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi. Thuyền giặc đang lao nhanh bất ngờ bị chặn lại liền đâm vào các đảo đá, xô vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, thấy cảnh hạ giới thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, đoàn kết giúp đỡ nhau. Rồng mẹ và rồng con không về trời, mà ở lại hạ giới. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con chầu bên rồng mẹ là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vỹ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay).”
Từ trên nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ. Hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Đó là những tác phẩm tạo hình tài hoa của tạo hoá. Đi giữa Hạ Long, ta ngỡ lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá. Hòn Đầu Người thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền. Hòn Rồng thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước. Hòn Lã Vọng thì giống như một ông lão đang ngồi câu cá giữa sóng nước bao la. Và kia, hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng biếc ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang vờn nhau trên mặt biển - hòn Trống Mái... Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn.
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp. Hang Sửng Sốt nằm ở khu vực trung tâm của Di sản thế giới vịnh Hạ Long. Hang được chia làm hai ngăn chính. Toàn bộ ngăn thứ nhất như một nhà hát lớn rộng thênh thang. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt, vô số những "chùm đèn treo" bằng nhũ đá rực sáng long lanh, những tượng đá, voi đá, hoa lá... tất cả dường như đang chuyển động trong một thế giới huyền ảo như thực như mơ. Chưa hết ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần kì của tạo hoá, ta bước vào ngăn thứ hai bằng một con đường nhỏ. Một luồng ánh sáng ùa vào rực rỡ, động mở ra một khung cảng mới hoàn toàn khác lạ, ngăn động rộng mênh mông có thể chứa được hàng ngàn người. Tới đỉnh cao nhất của động, bất ngờ một khu "vườn thượng uyển" mở ra trước mắt, có hồ nước trong vắt, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, muôn loài cây như si, vạn tuế, đa cổ thụ cùng nhiều loài chim sinh sống. Những ngày đẹp trời, từng đàn khỉ kéo nhau xuống đây tìm hoa quả ăn làm náo động cả một vùng.
Rời Sửng Sốt đến động Thiên Cung, ta lại càng như bị mê hoặc trong nét sắc Hạ Long. Trong động chạm nổi những nhân vật trong truyện cổ tích xưa, nét chạm khắc mềm mại uyển chuyển và vô cùng tinh tế sắc sảo. Những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay nhỏ bé đều được bàn tay của tạo hoá trau chuốt tỉ mỉ. Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành... Trên vách động phía bắc là cảnh một bầy tiên nữ đang múa hát. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Ðâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Ðó chính là tiếng gió thổi qua kẽ đá. Ðứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc ta ngỡ như đang đứng trong tiên cảnh bồng lai vậy…
Nơi đây không chỉ có cảnh sắc kì vĩ mà Hạ Long cũng còn là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; núi Bài Thơ ghi bút tích của nhiều bậc vua chúa; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Hạ Long ngày nay được các nhà khoa học chứng minh là một trong những cái nôi của con người có nền văn hoá Hạ Long từ hậu kỳ đồ đá mới với những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Ðồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...
Tất cả những điều đó tạo cho Hạ Long thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Là một “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”- như lời của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã mệnh danh cho Hạ Long.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét